Phân tích vẻ đẹp độc đáo của hình tượng Huấn cao. Qua nhân vật Huấn cao, anh ( chị ) có nhật xét gì về quan niệm của Nguyễn Tuân về cái đẹp
Viết thành văn bản nha
Giúp e với ạ
Phân tích vẻ đẹp độc đáo của hình tượng Huấn cao. Qua nhân vật Huấn cao, anh ( chị ) có nhật xét gì về quan niệm của Nguyễn Tuân về cái đẹp Viết thàn
Share
Bạn tham khảo nhé
1. Mở bài
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm
– Giới thiệu nhân vật
2. Thân bài
a. Một con người tự trọng, sống hiên ngang bất khuất.
– Tự trọng, không ham quyền và hám lợi: “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”.
– Hiên ngang bất khuất: “…những người chọc trời quấy nước, đến trên đầu người tu, người ta cũng còn chẳng biết ai nữa…”
b. Chí lớn không thành, coi thường gian khổ, kể cả cái chết kề bên
– Chống lại triều đình, bị bắt giam tử ngục, vẫn coi thường: “Đến cái cảnh chết chém, ông cũng chẳng sợ nữa …”
– Có những suy nghĩ, hành vi thật phóng khoáng: Ông Huấn Cao vẫn thản nhiên nhận rượu thịt của viên quản ngục, coi như đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình, dù đang bị giam cầm.
c. Khinh bỉ những kẻ đại diện cho quyền lực thống trị.
– Dưới mắt ông, chúng chỉ là là tiểu nhân thị oai, nên ông luôn tỏ ra khinh bỉ chúng, dù ở giữa cảnh tàn nhẫn, lừa lọc, giữa một dõng cặn bã.
– Thái độ và ngôn ngữ nhân vật cực kì khinh bạc. Sau khi viên quản ngục khép nép hỏi Huấn Cao có cần gì nữa không, ông đã trả lời như tát nước vào mặt đối phương: “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ cần có một điều, là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”.
d. Rất mực tài hoa
– Thư pháp (phép viết chữ, nghệ thuật viết chữ Hán) vốn là một thú cao nhã của người xưa, bên cạnh cầm, kì, thi, họa. Ông Huấn có tài viết chữ đẹp, “vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp”. Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm.
– Cái tài hoa ấy chỉ dành riêng cho người tri kỉ: “Đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi”. Và lần này như một ngoại lệ, ông cho chữ viên quản ngục, vì “Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người”.
– Con người ấy đã thực hiện lời hứa với viên quản ngục, thể hiện cái tài hoa tuyệt thế của mình trong một khung cảnh đầy xúc động. Bằng hiện pháp đối lập, Nguyễn Tuân đã làm toát lên chủ đề của truyện trong đoạn cuối truyện.
3. Kết bài
– Nêu cảm nghĩ
Bài viết tham khảo
Nguyễn Tuân- một nhà văn nổi tiếng của làng văn học Việt Nam. Ông có những sáng tác xoay quanh những nhân vật lí tưởng về tài năng xuất chúng, về cái đẹp tinh thần như “chiếc ấm đất”, “chén trà sương”… và một lần nữa, chúng ta lại bắt gặp chân dung tài hoa trong thiên hạ, đó là Huấn Cao trong tác phẩm “Chữ người tử tù”.
Nhà văn Nguyễn Tuân đã lấy nguyên mẫu hình tượng Cao Bá Quát làm nguồn cảm hứng sáng tạo nhân vật Huấn Cao. Họ Cao là một lãnh tụ nông dân chống triều Nguyễn năm 1854. Huấn Cao được lấy từ hình tượng này với tài năng, nhân cách sáng ngời và rất đỗi tài hoa.
Huấn Cao là một con người đại diện cho cái đẹp, từ cái tài viết chữ của một nho sĩ đến cốt cách ngạo nghễ phi thường của một bậc trượng phu , tấm lòng trong sáng của một người biết quý trọng cái tài, cái đẹp. Huấn Cao trước hết là một người có tài viết thư pháp. Chữ viết không chỉ là kí hiệu ngôn ngữ mà còn thể hiện tính cách con người. Cái tài viết chữ của ông được thể hiện qua đoạn đối thoại giữa viên quản ngục và thầy thơ lại. Tài năng của Huấn Cao còn được miêu tả qua lời người dẫn truyện và trong suy nghĩ nhân vật. Chữ của Huấn Cao “đẹp lắm, vuông lắm”, nét chữ còn thể hiện khí phách hiên ngang, tung hoành bốn bể. Chữ Huấn Cao đẹp và quý đến nỗi viên quản ngục ao ước suốt đời. Viên quản ngục đến “mất ăn mất ngủ”; không nề hà tính mạng của mình để có được chữ của Huấn Cao, “một vật báu ở trên đời”. Chữ là vật báu trên đời thì chắc chắn chủ nhân của nó phải là một người tài năng xuất chúng, phi thường có một không hai, là kết tinh mọi tinh hoa, khí thiêng của trời đất hun đúc lại mà thành. Chữ của Huấn Cao đẹp đến như vậy thì nhân cách của Huấn Cao cũng chẳng kém gì. Ông là con người tài tâm vẹn toàn.
Huấn Cao có cốt cách ngạo nghễ, phi thường của một bậc trượng phu. Ông theo học đạo nho thì đáng lẽ phải thể hiện lòng trung quân một cách mù quáng. Nhưng ông đã không trung quân mà còn chống lại triều đình để giờ đây khép vào tội “đại nghịch”, chịu án tử hình. Bởi vì Huấn Cao có tấm lòng nhân ái bao la; ông thương cho nhân dân vô tội nghèo khổ, làm than bị áp bức bóc lột bởi giai cấp thống trị tàn bạo thối nát. Huấn Cao rất căm ghét bọn thống trị và thấu hiểu nỗi thống khổ của người dân “thấp cổ bé họng”. Nếu như Huấn Cao phục tùng bọn phong kiến kia thì ông sẽ được hưởng vinh hoa phú quý. Nhưng không, ông Huấn đã lựa chọn con đường khác: con đường đấu tranh giành quyền sống cho người dân vô tội. Cuộc đấu tranh không thành công ông bị bọn chúng bắt. Giờ đây phải sống trong cảnh ngục tối chờ ngày xử chém. Trước khi bị bắt vào ngục, viên quản ngục đã nghe tiếng đồn Huấn Cao rất giỏi võ, ông có tài “bẻ khóa, vượt ngục” chứng tỏ Huấn Cao là một người văn võ toàn tài, quả là một con người hiến có trên đời.
ác giả miêu tả sâu sắc trạng thái tâm lý của Huấn Cao trong những ngày chờ thi hành án. Trong lúc này đây, khi mà người anh hùng “sa cơ lỡ vận” nhưng Huấn Cao vẫn giữ được khí phách hiên ngang, kiên cường. Tuy bị giam cầm về thể xác nhưng ông Huấn vẫn hoàn toàn tự do bằng hành động “dỡ cái gông nặng tám tạ xuống nền đá tảng đánh thuỳnh một cái” và “lãnh đạm” không thèm chấp sự đe dọa của tên lính áp giải. Dưới mắt ông, bọn kia chỉ là “một lũ tiểu nhân thị oai”. Cho nên, mặc dù chịu sự giam giữ của bọn chúng nhưng ông vẫn tỏ ra “khinh bạc”. Ông đứng đầu gông, ông vẫn mang hình dáng của một vị chủ soái, một vị lãnh đạo. Người anh hùng ấy dù cho thất thế nhưng vẫn giữ được thế lực, uy quyền của mình. Thật đáng khâm phục! Mặc dù ở trong tù, ông vẫn thản nhiên “ăn thịt, uống rượu như một việc vẫn làm trong hứng bình sinh”. Huấn Cao hoàn toàn tự do về tinh thần. Khi viên cai ngục hỏi Huấn Cao cần gì thì ông trả lời:
“Ngươi hỏi ta cần gì à? Ta chỉ muốn một điều là ngươi đừng bước chân vào đây “.
Cách trả lời ngang tàng, ngạo mạn đầy trịch thượng như vậy là bởi vì Huấn Cao vốn hiên ngang, kiên cường; “đến cái chết chém cũng còn chẳng sợ …”. Ông không thèm đếm xỉa đến sự trả thù của kẻ đã bị mình xúc phạm. Huấn Cao rất có ý thức được vị trí của mình trong xã hội, ông biết đặt vị trí của mình lên trên những loại dơ bẩn “cặn bã” của xã hội. “Bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Huấn Cao là người có “thiên lương” trong sáng, cao đẹp . Theo ông, chỉ có “thiên lương”, bản chất tốt đẹp của con người mới là đáng quý. Thế nhưng khi biết được nỗi lòng của viên quản ngục, Huấn những vui vẻ nhận lời cho chữ mà còn thốt rằng: “Ta cảm tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các ngươi. Ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có sở thích cao quý đến như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ một tấm lòng trong thiên hạ”. Huấn Cao cho chữ là một việc rất hiếm bởi vì “tính ông vốn khoảnh. Ta không vì vàng bạc hay uy quyền mà ép cho chữ bao giờ”.
Hành động cho chữ viên quản ngục chứng tỏ Huấn Cao là một con người biết quý trọng cái tài, cái đẹp, biết nâng niu những kẻ tầm thường lên ngang hàng với mình. Cảnh “cho chữ” diễn ra thật lạ, quả là cảnh tượng “xưa nay chưa từng có”. Kẻ tử tù “cổ đeo gông, chân vướng xiềng” đang “đậm tô từng nét chữ trên vuông lụa bạch trắng tinh” với tư thế ung dung tự tại, Huấn Cao đang dồn hết tinh hoa vào từng nét chữ. Đó là những nét chữ cuối cùng của con người tài hoa ấy. Những nét chữ chứa chan tấm lòng của Huấn Cao và thấm đẫm nước mắt thương cảm của người đọc. Con người tài hoa vô tội kia chỉ mới cho chữ ba lần trong đời đã vội vã ra đi, để lại biết bao tiếc nuối cho người đọc. Qua đó, Nguyễn Tuân cũng gián tiếp lên án xã hội đương thời đã vùi dập tài hoa con người. Và người tù kia bỗng trở nên có quyền uy trước những người đang chịu tránh nhiệm giam giữ mình. Ông Huấn đã khuyên viên quản ngục như một người cha khuyên bảo con: “Tôi bảo thực thầy quản nên về quê ở đã rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây khó giữ được thiên lương cho lành vững rồi cũng có ngày nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”.
Theo Huấn Cao, cái đẹp không thể nào ở chung với cái xấu được. Con người chỉ thưởng thức cái đẹp khi có bản chất trong sáng, nhân cách cao thượng mà thôi. Những nét chữ cuối cùng đã cho rồi, những lời nói cuối cùng đã nói rồi. Huấn Cao, người anh hùng tài hoa kia dù đã ra đi mãi mãi nhưng để lại ấn tượng sâu sắ cho những ai đã thấy, đã nghe, đã từng được thưởng thức nét chữ của ông. Sống trên cõi đời này, Huấn Cao đã đứng lên đấu tranh vì lẽ phải; đã xóa tan bóng tối hắc ám của cuộc đời này. Chính vì vậy, hình tượng Huấn Cao đã trở nên bất tử. Huấn Cao sẽ không chết mà bước sang một cõi khác để xua tan bóng tối nơi đó, đem lại hạnh phúc cho mọi người ở mọi nơi.
Qua hình tượng Huấn Cao, Nguyễn Tuân đã thể hiện quan niệm về cái đẹp, khẳng định sự bất tử của cái đẹp và bộc lộ thầm kín tấm lòng yêu nước. Trong truyện, Huấn Cao được xây dựng không chỉ là người có tài mà còn có tâm, có “thiên lương” (bản tính tốt lành). Huấn Cao không chỉ có thái độ hiên ngang, bất khuất, coi thường cái chết và tiền bạc mà còn có tấm lòng yêu quý cái thiện, mềm lòng trước tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” của viên quản ngục (sẵn lòne cho chữ khi hiểu rõ thiện căn và sở thích cao quý của ông ta) và thậm chí còn biết sợ cái việc “chút nữa phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ. Với Nguyễn Tuân, cái tài phải đi đôi với cái tâm. Cái đẹp và cái thiện không thể tách rời nhau. Đó là một quan niệm thẩm mĩ tiến bộ của tác giả.
Ở Huấn Cao ánh lên vẻ đẹp của cái “tài” và cái “tâm”. Trong cái “tài” có cái “tâm” và cái “tâm” ở đây chính là nhân cách cao thượng sáng ngời của một con người tài hoa. Cái đẹp luôn song song “tâm” và “tài” thì cái đẹp đó mới trở nên có ý nghĩa thực sự. Xây dựng hình tượng Huấn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân đã thành công trong việc xây dựng nên chân dung nghệ thuật điển hình lí tưởng trong văn học thẩm mĩ. Dù cho Huấn Cao đã đi đến cõi nào chăng nữa thì ông vẫn sẽ mãi trong lòng người đọc thế hệ hôm nay và mai sau.
Có một thời, tập truyện Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân nói chung, truyện ngắn Chữ người tử tù nói riêng bị phê phán là một tác phẩm tiêu biểu có xu hướng “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Đó là sự đánh giá vội vã và thiếu công bằng. Đúng là Chữ người tử tù ca ngợi cái đẹp nhưng là cái đẹp với ý nghĩa tích cực của nó. Cái đẹp làm cho cuộc đời và con người trở nên tốt hơn. Cái đẹp ấy trong tác phẩm này hiện thân ở nhân vật Huấn Cao.
Huấn Cao là ai? Đó là một- nhà nho tài năng – văn cực hay, chữ cực tốt. Trong nền học vấn ngày xưa, nói đến người tài người ta nhắc đến “văn hay, chữ tốt”. Nguyền Tuân không nói nhiều đến văn của ông Huấn Cao, chỉ tập trung đặc biệt nói về tài viết chữ của ông. Những chữ mà ông Huấn Cao viết ra không còn là những chữ bình thường để người ta ghi lại tiếng nói, mà đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật đích thực. Bao nhiêu người trong thiên hạ ao ước có được chữ của Huân Cao, để chiêm ngưỡng, để làm đẹp cuộc sống của mình, để giữ gìn và truyền lại cho con cháu như một thứ gia bảo. Ngoài tài văn, ông Huấn Cao còn có tài võ, cả hai thứ tài này đều ngang nhau. Tài kiệm văn võ đó là điều mà đời xưa người ta vẫn ao ước. Con người như thế thật đến chỗ tuyệt diệu.
Đã sử dụng thanh gươm chính nghĩa cũng thành thạo cũng như sử dụng cây bút để viết nên chữ đẹp. Đó thật là một nhân cách đẹp.
Việc lớn không xong, Huấn Cao trở thành tử tù. Trong hoàn cảnh nghiệt ngã của nhà ngục tử tù, Huấn Cao đã có dịp thử thách để bộc lộ một vẻ đẹp khác trong nhân cách của mình: ý chí bất khuất. Ta hãy xem thái độ của Huấn Cao khi bước vào nhà ngục, nơi cái chết đang chờ đợi ông, nơi những kẻ gác ngục đang hung hăng chờ để vùi dập ông. Lúc ấy ông không quan tâm gì đến nhà ngục hay bọn gác ngục, ông Huấn Cao chỉ chăm chú gò cái gông xuống thềm đá đuổi rệp. Đối với ông, uy quyền của nhà ngục dữ tợn không đáng cho ông băn khoăn hơn mấy con rệp, ông bình thản trước mọi thái độ đối xử của viên quản ngục. Ông sẵn sàng nói vào mặt quản ngục rằng: “Ta muốn ngươi đừng bước vào đây
Nữa” khi viên quản ngục hỏi ông có cần gì không. Không sợ cái chết, không sợ bất kì cực hình nào, thật là một tâm hồn gang thép trong con người tri thức nho nhã ấy. Nếu chỉ bất khuất như thế thôi, bình thản như thế thôi cho tới lúc bị đưa ra pháp trường, Huấn Cao đã đủ cho người ta kính phục ngưỡng mộ đến chừng nào.
Nhưng Huấn Cao không chỉ có thế, ông còn có một tấm lòng đầy tình cảm dịu dàng. Khi biết được tâm nguyện cảm động của viên quản ngục, lòng Huấn Cao mềm lại. Ông ân hận thực lòng: “Thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Con người vốn rất thận trọng trong việc cho chữ, vốn không vì tiền bạc, danh vọng hay sức ép của uy quyền mà cho ai chữ bao giờ, đây lại tự nguyện dành những giờ phút ngắn ngủi của mình để viết chữ cho viên quản ngục. Đây là gì? Là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, là thái độ “biệt nhỡn liên tài”, hay niềm trắc ẩn đối với người đáng thương, đáng trọng? Có lẽ là tất cả. Hẳn Huấn Cao đã khá bất ngờ khi phát hiện ra tâm hồn viên quản ngục như một đóa hoa sen thơm ngát giữa bùn nhơ. Chính vì vậy Huấn Cao đã cảm dộng, càng muốn tạ lại tấm lòng tri kỉ, tri âm. Huấn Cao thật đúng là một đấng trượng phu:
Hoàng phu lãnh đối thiên phủ chỉ
Phủ thủ cam vi nhũ tử ngưu
(Trợn mắt coi khinh ngàn lực sĩ
Cúi đầu làm ngựa lũ nhi đồng)
Phẩm chất của Huấn Cao đến thế là trọn vẹn, một con người đẹp ở mức độ lí tưởng của cái đẹp. Phẩm chất ấy đã tỏa sáng rực rỡ trong cảnh cho chữ nơi nhà ngục tử tù. Cảnh ấy đã diễn ra trong hoàn cảnh thật lạ lùng, đúng là: “Xưa nay chưa từng có”. Thời gian là lúc nửa đêm, lúc vạn vật đã ngủ say trong bóng tối, thời gian chỉ giành cho những việc huyền bí và thiêng liêng. Không gian là buồng ngục chật hẹp, ẩm thấp, đầy phân và gián chuột. Thế mà trước vẻ đẹp của những chữ ông Huấn viết ra, trước nhân cách cao thượng của ông Huấn, mọi vật đều sáng bừng lên vì cái đẹp. Trong cảnh ấy, dưới ánh sáng của mấy ngọn đuốc, Huấn Cao cổ đeo gông chân mang xiềng, lại là người tự do nhất. Ngày mai ông Huấn sẽ bị giải về kinh để ra pháp trường, thế mà lúc này đây, chính Huấn Cao lại là người đại diện sang trọng, uy nghi của cái Đẹp. Huấn cao vừa ung dung viết chữ vừa dặn dò viên quản ngục về cách sống, về đạo làm người. Trong khi ấy viên quản ngục và thơ lại, người giúp việc của ông ta thì thành kính đến khúm núm, sợ hãi. Họ bị chinh phục hoàn toàn bởi cái đẹp từ vẻ đẹp của những chữ viết trên lụa trắng, đến cái đẹp trong nhân cách Huấn Cao. Nếu trước đây viên quản ngục chỉ mê chữ thì bây giờ đã bị chinh phục hoàn toàn trước tâm hồn và khí phách của ông. Nghe Huấn Cao căn dặn, viên quản ngục đã nói trong nước mắt: “kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Cái đẹp không bao giờ chết, nhân cách của ông Huấn sẽ sống mãi cho chúng ta tôn thờ và hướng tới.
Trong lịch sử của nước ta khoảng nửa đầu thế kỉ XIX từng có một người họ Cao, là một nhà thơ nổi danh. Đó chính là nhà thơ Cao Bá Quát. Không chịu nổi sự suy đốn của triều đình nhà Nguyễn, Cao Bá Quát đã đứng làm quân sư cho một cuộc khởi nghĩa rồi bị họa “tru di tam tộc”.
Ông Huấn Cao không phải là ông Cao Bá Quát nhưng khi tạo ra nhân vật này, hẳn Nguyễn Tuân cũng đã nghĩ đến Cao Bá Quát, con người vừa tài năng vừa khí phách. Nguyễn Tuân còn nghĩ đến bao nhiêu người khác nữa khi tạo nên Huấn Cao, những con người như những tinh hoa của dân tộc đã xuất hiện không hiếm trong lịch sử dân tộc bốn nghìn năm, trong cuộc đấu tranh chống thực dân vì quyền tự chủ đất nước trong mây chục năm từ cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX. Có thể đây là một cách thức ca ngợi những con người ấy.
Một tác phẩm văn học có giá trị thường có nhiều tầng ý nghĩa. Một trong những tầng ý nghĩa của truyện Chữ người tử tù chính là ca ngợi cái Đẹp. Tạo nên một nhân vật Đẹp và Hùng như nhân vật Huấn Cao, là cách thức riêng của Nguyễn Tuân. Và với ý nghĩa ấy, cùng với một tài năng nghệ thuật độc đáo, Chữ người tử tù xứng đáng được coi là một giá trị tiêu biểu trong văn xuôi trước Cách mạng tháng Tám.